Doanh nghiệp tăng trách nhiệm, người lao động “được nhờ”

NLĐ cũng cần chú ý việc tăng lương, giảm giờ làm sẽ cải thiện đời sống trước mắt của NLĐ, tuy nhiên đó lại là khó khăn của các DN. Vì vậy, để tránh bị tha thải, rơi vào tình

Bộ luật lao động(BLLĐ) – (Sửa đổi) sẽ được đưa vào áp dụng từ ngày 1/5/2013, thay thế cho bộ luật đang hiện hành. Bộ luật mới đã giải quyết được một số vấn đề còn tồn đọng trong bộ luật cũ và mang tính nhân bản hơn. Để Luật mới được đảm bảo thực hiện tốt nhất, ngay từ bây doanh nghiêp (DN) và người lao động (NLĐ) cần tìm hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi luật được áp dụng vào thực tiễn.

cần chuẩn bị những gì
Để thực hiện chuyển hóa từ LLĐ (sửa đổi) vào Nội quy Doanh nghiệp, bộ phận phụ trách trước tiên cần phải nghiên cứu thật kỹ BLLĐ để soạn thảo nội quy công ty, kể cả việc tham khảo các thông tư, nghị định đang hiện hành. Bên cạnh đó, DN cũng phải chuẩn bị tốt quy trình về xử lý những vi phạm, có các bộ phận theo dõi cụ thể. Đồng thời phải tổ chức những buổi tập huấn để đảm bảo NLĐ nắm vững được những nội quy quy định của DN. Chắc chắn rằng khi luật được áp dụng vào thực tế sẽ được thực hiện đúng và mang lại lợi ích cao nhất.

Theo quy định mới trong BLLĐ (sửa đổi) DN sẽ có nhiều tránh nhiệm và chi phí bỏ ra cũng tăng hơn nhiều so với luật đang hiện hành. Điều đó đồng nghĩa với việc các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sửa đổi và áp dụng luật mới vào thực tế. Việc đưa luật mới vào hoạt động có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn không chỉ cho các DN, mà cả NLĐ cũng sẽ gặp khó khăn khi luật mới được áp dụng. Ví dụ như: Điều chỉnh giờ làm việc của NLĐ, quy định mức lương tối thiếu, nghỉ thai sản 6 tháng… Những quy định này đã thể hiện rõ rằng NLĐ được bảo vệ nhiều hơn. Tuy nhiên nếu DN rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là vấn đề tài chính thì nguy cơ NLĐ mất việc cũng sẽ tăng cao hơn. Hơn nữa, vấn đề tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho phụ nữ sau khi sinh là điểm mới tích cực . Nhưng trên thực tế quy định này sẽ gây sức ép rất nhiều cho các DN không chỉ về mặt tài chính mà cả vấn đề về nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn không kém, đặc biệt đối với những DN sử dụng nhiều lao động nữ như: Giày da, dệt may, Nông – lâm sản…

Trong BLLĐ mới cũng quy định, NSDLĐ được quyền sa thải NLĐ có các hành vi trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ. Điều này trong BLLĐ đang hiện hành không được quy định. Quy định này có nghĩa cho phép DN được quyền quyết định sa thải NLĐ khi họ vị phạm một trong những hành vi trên thay vì chỉ được phép kỷ luật và giáo dục NLĐ như luật đang hiện hành. Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định rõ: Nếu DN sa thải NLĐ không đúng theo quy định thì ngoài việc phải bồi thường theo luật đang hiện hành, NSDLĐ còn phải bồi thường cho NLĐ thêm ít nhất bằng 2 tháng lương. Vì vậy, để tránh sai sót trong quá trình áp dụng Luật và đảm bảo quyền lợi cho DN, NSDLĐ cần phải tìm hiểu kỹ các điều khoản, nội quy quy định của cả luật đang hiện hành và Luật mới. Đó là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của DN.

Một điểm mới trong LLĐ (sửa đổi) có lợi cho DN nữa là: Cho thuê lại lao động. Với quy định này, các DN sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt lao động trong các trường hợp như: Lao động nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn,… Đồng thời, với quy định cho thuê lại lao động cũng giúp giải quyết được vấn đề vừa thừa, vừa thiếu lao động đang tồn tại trong các DN hiện nay. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong quá trình ổn định sản xuất của DN trong lúc nguồn nhân lực khan hiếm.
Như vậy, với Bộ luật mới này DN cần xem xét lại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể. Có kế hoạch dự phòng cho lao động nữ khi nghỉ thai sản. Đồng thời, khi thuê lại lao động đã chính thức được công nhận, DN nên xem xét đến việc thuê ngoài nguồn nhân lực không trọng yếu và sử dụng theo thời vụ để quản lý rủi ro và chi phí nhân công một cách tốt nhất. Tránh để DN rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, gây đình trệ trong hoạt động sản xuất.

Tăng quyền lợi cho người lao động
Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi BLLĐ (sửa đổi) được áp dụng, NLĐ cần tìm hiểu và nắm được những nội quy được sửa đổi trong luật mới để tránh mất quyền lợi và vi phạm nội quy DN trong quá trình làm việc.
BLLĐ mới được chỉnh sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi NLĐ nhiều hơn. Các quy định trong bộ luật mới được sửa đổi rõ ràng và cụ thể hơn luật đang hiện hành. Ví dụ việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo Luật đang hiện hành chỉ quy định thời gian làm việc ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ và từ 21 giờ đến 5 giờ hôm sau. Để hạn chế việc các DN ăn chặn hoặc bớt xén tiền lương, gian lận giờ làm thêm của NLĐ, Luật mới quy định thêm: Từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc được tính giờ làm việc ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ; từ TP Đà Nẵng trở vào phía Nam được tính từ 21 giờ đến 5 giờ (Chương VII, điều 106, khoản 2).

Liên quan đến mức lương thử việc của NLĐ, Luật (sửa đổi) tăng mức lương thử việc lên 85% so với 70% của Luật đang hiện hành. Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng lao động, NSDLĐ không được giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ gốc của NLĐ và không được yêu cầu NLĐ thế chấp bất kỳ tài sản gì. Bởi thực tế có không ít DN tư nhân đã áp dụng cách làm này khi giao kết hợp đồng nhằm tránh rủi ro và ràng buộc NLĐ. Việc làm này ít nhiều khiến NLĐ bị hạn chế các quyền dân sự khác…

Về việc đóng BHXH, trong thời gian qua DN vẫn khấu trừ tiền BHXH đều đặn vào các kỳ nhận lương của NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ lại không được biết số tiền và thời gian DN đóng cho cơ quan BHXH, khiến cho NLĐ khi thất nghiệp không được hưởng đầy đủ quyền lợi nhưng cũng không biết kêu ai. Do vậy, cùng với các chế tài xử lý DN làm sai quy định, chây ì, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ. BLLĐ mới đã quy định rõ NLĐ có quyền được biết mọi thông tin liên quan đến việc đóng BHXH, BHYT của mình. Định kỳ 6 tháng hoặc khi NLĐ yêu cầu, tổ chức BHXH và NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ về thời gian tham gia và mức đóng BHXH, BHYT hằng tháng.

Luật (sửa đổi) cũng có những chính sách mới nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật, quy định mỗi DN phải sử dụng 2%-3% lao động khuyết tật trên tổng số lao động. Luật mới cũng quan tâm hơn đến lao động giúp việc nhà, lao động không trọn thời gian và lao động chưa đủ tuổi thành niên. Quy định công việc, thời gian làm việc cho từng lao động cụ thể.
Cùng với những biện pháp trên, để quyền lợi của NLĐ được đảm bảo, Luật mới cũng quy định rõ, ở những DN chưa thành lập công đoàn (CĐ) cơ sở thì CĐ cấp trên có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đồng thời, Luật mới cũng quy định rõ vai trò của CĐ cấp trên có quyền hỗ trợ và tham gia với CĐ cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; đại diện cho CĐ cơ sở, NLĐ khởi kiện trước tòa khi DN có hành vi vi phạm pháp luật; tham gia hỗ trợ CĐ cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công. Đặc biệt, những DN có từ 500 lao động trở lên thì phải có ít nhất một cán bộ CĐ chuyên trách. Với những quy định mới này, NLĐ sẽ được đảm bảo quyền lợi tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh quyền lợi, NLĐ cũng cần phải nắm rõ nghĩa vụ của mình để thực hiện tốt những quy định của pháp luật và DN.
Ngoài việc làm việc theo quy định của NSDLĐ, NLĐ cần phải tìm hiểu để nắm vững những nội dung mà BLLĐ đã quy định. Việc này vừa giúp NLĐ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình, vừa biết được nghĩa vụ của mình trong DN. Đó là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của NLĐ.
NLĐ cũng cần chú ý việc tăng lương, giảm giờ làm sẽ cải thiện đời sống trước mắt của NLĐ, tuy nhiên đó lại là khó khăn của các DN. Vì vậy, để tránh bị tha thải, rơi vào tình trạng thất nghiệp NLĐ cần phải làm việc tốt hơn và đặt mục tiêu hiệu quả công việc cao hơn. Việc đó sẽ giúp cho NLĐ được coi trọng nhiều hơn và DN cũng không cảm thấy những gì họ phải chi trả là lãng phí. NLĐ cũng cần biết, với Luật mới NSDLĐ có quyền sa thải trực tiếp những lao động có các hành vi vi phạm như: trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ. Do vậy, NLĐ cần phải cẩn thận trong quá trình làm việc và nghỉ ngơi. Không nên vi phạm vào điều cấm mà Luật đã quy định.

Như vậy, với Bộ luật Lao động (sửa đổi) cả DN và NLĐ cần phải tích cực tuyên truyền, tìm hiểu để nắm vững được quyền và nghĩa vụ của mình nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân và tập thể. Đồng thời làm đúng theo quy định của Nhà nước, góp phần xây dựng mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *