Ứng xử khi xin thôi việc thế nào cho đúng?
Nếu bạn xin thôi việc vào đúng thời kì công ty đang khó khăn hay gặp trục trặc trong việc kinh doanh đó có thể là sự hiểu lầm bạn “đứng núi này trông núi nọ”, mặc dù nguyên
Thôi việc – Đó không đơn giản là hành động bạn gửi đơn xin thôi việc, nhận được sự chấp thuận của cấp trên rồi thu dọn hành lý chuẩn bị rời khỏi công ty. Hơn thế nữa, đó là cả một nghệ thuật ứng xử, thôi việc cũng đòi hỏi quá trình chuẩn bị, sự chuyên nghiệp và khéo léo giống như khi bạn tìm việc. Dù ra đi vì bất cứ lý do gì bạn cũng nên để lại ấn tượng tốt với công ty cũ. Sau đây là một số lưu ý khi bạn đang có ý định thôi việc.
1. Cân nhắc kĩ trước khi gửi đơn
– Giữ yên lặng: Nhiều người không giữ được bí mật thường sẽ kể cho đồng nghiệp chuyện bạn đang tìm một công việc khác, nhưng bạn đừng bao giờ làm vậy.
Bà Marie McIntyre, tư vấn nghề nghiệp đồng thời là tác giả cuốn sách “Bí mật để chiến thắng tại văn phòng”, nói: “Quản lý của bạn có thể cho rằng việc bạn muốn bỏ đi như một sự phản bội, thế nên tốt nhất hãy giữ bí mật. Ngay khi cấp trên của bạn biết bạn đang tìm việc khác, bạn sẽ bị xem là người làm việc ngắn hạn và đánh mất những cơ hội giá trị, như: thăng tiến, tăng lương, phân công công việc, hay khóa học đào tạo.”
– Nắm rõ Luật ở công ty: Khi bạn bắt đầu công việc tại doanh nghiệp chắc hẳn bạn đã nắm được phổ biến luật Lao động của doanh nghiệp đó, bao gồm quy định về nghỉ phép và thôi việc. Thường những công ty yêu cầu nhân viên muốn thôi việc phải báo trước thời gian ít nhất là 1 tháng, tùy theo lý do mà bạn xin nghỉ việc theo quy định của Bộ luật Lao Động hiện hành.
Vậy nên, trước khi gửi đơn bạn nên chuẩn bị tất cả những tình huống có thể xảy ra như: Đã giải quyết xong những công việc còn tồn đọng, cần nghĩ đến trường hợp bạn có thể tìm được việc mới ngay khi rời công ty hay không? Cũng không nên mang bất cứ tài sản nào của công ty khi ra đi.
– Viết một bức thư xin nghỉ việc: Bạn nên dành một chút thời gian và công sức cho bức thư xin nghỉ việc để chứng tỏ sự tôn trọng của bạn với ban lãnh đạo công ty, đồng thời thể hiện trách nhiệm của bạn với công việc và để công ty có kế hoạch tìm người thay thế vị trí của bạn.
Trong thư bạn nên trình bày những kinh nghiệm, những điều tốt đẹp mà bạn có được trong thời gian làm việc cho công ty. Bạn đã trưởng thành hơn trong công việc như thế nào và gửi lời cám ơn tới những người đã giúp đỡ bạn. Có thể trích dẫn trong đó những sự kiện và việc làm để lại ấn tượng trong bạn. Bày tỏ mong ước công ty sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai.
– Có nên giải thích lý do ra đi? Nếu bạn xin nghỉ việc vì một lý do nào đó như : Bức xúc với thái độ của đồng nghiệp hay là thái độ nóng giận nhất thời, bạn có thể chia sẻ với cấp trên để họ có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bạn và giải quyết giúp bạn. Nếu lý do đưa ra quá tế nhị bạn nên tìm một lý do nào đó dễ chịu hơn .
– Đề cử một ứng viên cho vị trí thay thế : Để tránh cho việc công ty phải mất thời gian và kinh phí nhằm tìm được một ứng viên thích hợp, bạn có thể ứng cử một nhân viên trong công ty mà bạn thấy phù hợp. Người đó có thể đã từng làm với bạn hoặc làm trợ lý cho công việc mà bạn phụ trách, hãy để mắt đến những đồng nghiệp để lại ấn tượng với bạn trong năm qua để đề cử vào vị trí mà bạn sắp nghỉ. Nếu không phải là đồng nghiệp trong công ty thì hãy nghĩ đến bạn bè và những mối quan hệ bên ngoài có thể giúp bạn có được một người thay thế thích hợp.
2. Thân thiện, chuyên nghiệp đến phút chót
Nếu lý do bạn xin thôi việc ở công ty vì bất bình hay cáu giận một chuyện gì đó bạn cũng không nên bộc lộ ra bên ngoài. Luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện và tôn trọng với cấp trên và đồng nghiệp. Nhận xét của sếp cũ luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn đi phỏng vấn xin việc ở công ty mới.
Bà McIntyre nhận định: “Người ta vẫn nói rằng bạn có thể đánh giá phẩm chất thực sự của một người qua cách họ thôi việc. Ngay cả khi bạn sung sướng đến phát cuồng khi được thoát khỏi công việc cũ, hãy cẩn thận chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và chia tay với mọi người một cách thân thiện, vui vẻ.”
Sẽ có rất nhiều rắc rối nếu bạn làm cho những người ở lại giận dữ. Chẳng hạn, bạn sẽ bị “cố tình quên” được thanh toán một số khoản hoặc có thể gặp rắc rối trong chuyện thanh toán những khoản tiền còn lại trước khi ra đi.
– Đi phỏng vấn bằng thời gian của bạn. Nếu trong quá trình xin nghỉ việc bạn nhận được lời mời phỏng vấn ở một số công ty khác bạn cũng không nên xin nghỉ quá nhiều, sẽ chẳng hay ho nếu sếp và đồng nghiệp của bạn biết bạn đang xin việc ở công ty khác trong thời gian làm việc ở công ty họ. Nếu có thể hãy cố gắng xếp lên lịch phỏng vấn trước hoặc sau giờ làm việc, hoặc trong giờ ăn trưa. Nếu không thể làm thế, hãy sử dụng thời gian nghỉ phép.
3. Hãy nghỉ khi công ty đã tìm được người thay thế
Giúp công ty đào tạo nhân viên mới: Mỗi công việc đều có đặc thù riêng, đòi hỏi kinh nghiệm và trách nhiệm mà không phải ai mới đảm nhận cũng có thế biết hết và không phải vấn đề nào cũng có thể bàn giao được trên giấy tờ hay file lưu trữ, cấp trên của bạn sẽ rất biết ơn và tôn trọng bạn nếu bạn là một người có trách nhiệm với vị trí của mình. Vì vậy hãy nhiệt tình giúp đỡ và bàn giao công việc cho người mới đến.
Nếu đến thời hạn bạn xin nghỉ mà công ty chưa tìm được nhân viên thay thế hãy đề nghị với cấp trên cho phép bạn tiếp tục giúp đỡ họ cho đến khi tìm được người vào vị trí của bạn. Bạn có thể tham khảo viết mẫu đơn xin thôi việc tại bài mẫu đơn xin nghĩ việc.
4. Cân nhắc thời điểm ra đi và giữ mối quan hệ tốt với công ty cũ
Nếu bạn xin thôi việc vào đúng thời kì công ty đang khó khăn hay gặp trục trặc trong việc kinh doanh đó có thể là sự hiểu lầm bạn “đứng núi này trông núi nọ”, mặc dù nguyên nhân thực sự không phải thế. Vì vậy, nên cân nhắc thật kỹ thời điểm ra đi.
Dù đã xin thôi việc ở công ty cũ bạn cũng nên duy trì mối quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp. Bạn có thể gửi tin nhắn hay gửi lẵng hoa chúc mừng sinh nhật sếp cũ hay đồng nghiệp cũ, ngày thành lập công ty hay một sự kiện nào đó diễn ra thành công. Sẽ rất thú vị nếu công ty cũ và công ty mới của bạn sát nhập làm một.
Leave a Reply