Tìm hiểu cách huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Còn CTTC thì ngược lại, mặc dù DN vẫn phải ký quỹ và trả trước (thường 30-50% tổng giá trị tài sản) nhưng bên cho thuê lại đứng tên sở hữu và có quyền kiểm tra việc sử dụng
Một trong những giải pháp cung cấp nguồn vốn hiệu quả nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện nay được nhiều DN áp dụng là sử dụng hình thức cho thuê tài chính (CTTC).
Sử dụng dịch vụ CTTC đang được áp dụng phổ biến ở các DN tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Thụy Ðiển, Úc… Hiện nay ở Mỹ, ngành thuê mua thiết bị chiếm khoảng 25 – 30% tổng số tiền tài trợ cho các giao dịch mua bán thiết bị hàng năm của các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động CTTC phát triển nhanh là do nó thể hiện hình thức tài trợ có tính an toàn cao, tiện lợi, và hiệu quả cho các bên giao dịch.
Tại Việt Nam, dịch vụ CTTC bắt đầu xuất hiện từ năm 1996, và đây được nói là phương thức hiệu quả để giải quyết về nguồn vốn và trang thiết bị máy móc cho DN, đặc biệt là DNVVN.
Tại sao DNVVN nên sử dụng dịch vụ CTTC?
Các DNVVN thường hạn chế về vốn tự có, uy tín cũng như tài sản thế chấp dẫn đến khó tiếp cận với nguồn vốn tài chính. Trong khi đó, hoạt động CTTC là tạo điều kiện cho các DN hạn hẹp về ngân quỹ, các DN có mức độ tín nhiệm thấp có được cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết để sử dụng.
Các DN cần biết rằng CTTC là hình thức tài trợ tín dụng thông qua cho thuê các loại tài sản, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển… là nhu cầu mà các DN, các nhà đầu tư mong muốn để đổi mới máy móc, thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất kinh doanh.
Đặc trưng của phương thức này là – đơn vị cho thuê là chủ sở hữu tài sản sẽ chuyển giao tài sản cho người thuê, tức là người sử dụng tài sản được quyền sử dụng và hưởng dụng những lợi ích kinh tế mang lại từ các tài sản đó trong một thời gian nhất định. Người thuê có nghĩa vụ trả một số tiền cho chủ tài sản tương xứng với quyền sử dụng và quyền hưởng dụng. Điều này cũng nói lên việc cấp tín dụng dưới hình thức CTTC không đòi hỏi sự bảo đảm tài sản có trước, tạo cho DN tiếp cận hình thức cấp tín dụng mới, vừa giải tỏa được áp lực về tài sản. Ngoài ra, các công ty CTTC có thể mua tài sản của DN và cho thuê lại tài sản đó nếu DN thiếu vốn lưu động do đã tập trung vốn để đầu tư mua sắm tài sản cố định. Như vậy DN vừa có tài sản để sử dụng lại vừa có vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng, loại hình này rất thích hợp cho DNVVN bởi vì thủ tục đi thuê đơn giản, linh hoạt nhanh gọn hơn đi vay vì bớt được thời gian làm thủ tục thế chấp, bảo lãnh. Thêm vào đó, hình thức thuê tài chính sẽ giúp cho DN tránh được rủi ro về tính lạc hậu và lỗi thời của tài sản, đặc biệt đối với những thiết bị có tốc độ phát triển nhanh. Hơn nữa, hình thức này có thể giúp DN vừa có vốn vừa có trang thiết bị máy móc hiện đại để tập trung sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Thực tế sử dụng hình thức CTTC của DNVVN của VN
Mặc dù dịch vụ CTTC có tác dụng cho các DN như vậy, nhưng hoạt động công ty tài chính thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng của thị trường dịch vụ này ở VN. Nguyên nhân là do các DN vẫn chưa nhận thức được hết lợi ích từ kênh tín dụng này cũng như thông tin về thị trường phát triển dịch vụ CTTC ở VN hiện nay.
Các công ty CTTC thừa nhận rằng số DN biết đến CTTC không nhiều mặc dù dịch vụ này có mặt tại VN hơn 10 năm nay. Theo họ, các DN muốn mở rộng sản xuất thường nghĩ ngay đến vay ngân hàng (NH) thay vì tìm đến công ty CTTC.
Các chủ DNVVN đều nói rằng giá cả CTTC hiện nay ở VN đang cao hơn so với các loại hình tín dụng khác, chưa hấp dẫn được các khách hàng thuê. Lãi suất CTTC cao hơn so với lãi suất cho vay trung dài hạn từ 20% đến 25% và cao hơn 10% nếu tài sản được mua sắm trực tiếp từ nhà sản xuất.
“Và điều khiến các DN ngại sử dụng dịch vụ CTTC chính là về vấn đề sở hữu”, lãnh đạo một DN phân tích. Theo ông, nếu vay vốn NH mua máy móc thiết bị thì DN vẫn đứng tên sở hữu tài sản và chỉ làm động tác ra công chứng thế chấp. Khi tài sản thuộc sở hữu của DN thì DN sẽ được quyết định mục đích sử dụng tài sản.
Còn CTTC thì ngược lại, mặc dù DN vẫn phải ký quỹ và trả trước (thường 30-50% tổng giá trị tài sản) nhưng bên cho thuê lại đứng tên sở hữu và có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản. Nếu DN sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thỏa thuận thì lập tức công ty CTTC sẽ can thiệp, thậm chí luật còn cho phép thu hồi tài sản khi bên thuê vi phạm hợp đồng (về nghĩa vụ thanh toán hoặc mục đích sử dụng)….
Trên thực tế, DN sẽ có được nhiều cái lợi khi sử dụng dịch vụ CTTC nhưng do khâu tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng dịch vụ này tới DN chưa được các công ty CTTC chú trọng nên chưa thể thu được kết quả như mong muốn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch triển khai lộ trình mở cửa lĩnh vực CTTC, dự tính đến cuối năm 2010 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động này. Theo các chuyên gia, việc mở cửa, hội nhập hoạt động CTTC sẽ dẫn đến nhiều công ty và tập đoàn nước ngoài tham gia thành lập CTTC tại nước ta, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dịch vụ kênh tín dụng này phát huy được tác dụng đối với các DN và trở thành một trong những thị trường dịch vụ cạnh tranh lớn của Việt Nam.
Leave a Reply